Tôi đã có đặc ân được sống ở Việt Nam 16 năm, gần 40% cuộc đời trưởng thành của tôi.
Tôi là một công dân toàn cầu không có liên kết quốc gia, người có thể nhìn thấy sự tốt đẹp và thậm chí vĩ đại, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, của mọi quốc gia.
Tôi quan tâm sâu sắc đến những vấn đề và lĩnh vực đó – đôi khi được thảo luận cởi mở, lúc khác lại ẩn nấp dưới bề mặt khoa trương, và những vấn đề khác không được nói trước công chúng – đang rất cần được cải thiện.
Một trong những vấn đề cấp bách nhất trên thế giới mà các bạn và tôi chia sẻ là ô nhiễm không khí và nước trên diện rộng. Đây không phải là những vấn đề mang tính hàn lâm hay lâu dài mà là những vấn đề đang tồn tại, trước mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến con người và thế giới tự nhiên Việt Nam xưa và nay.
Tôi rất đau buồn và tức giận trước sự hoàn toàn coi thường của nhiều người đối với Mẹ Thiên nhiên và đất nước của họ bằng cách ném rác ra khỏi cửa kính ô tô, đổ rác xuống hồ và sông, và đốt tất cả các loại rác thải như một phương pháp xử lý rác thải độc hại… Đây chính là những hành vi tàn hại sinh thái, được định nghĩa là sự tàn phá môi trường tự nhiên do hành động cố ý hoặc cẩu thả của con người.
MẶT TRÁI CỦA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam có tầm nhìn sâu rộng. Đổi mới mở ra nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo ra vô số lợi ích cho đa số người Việt Nam, nhưng nó cũng làm nảy sinh nền kinh tế tiêu dùng phát triển mạnh mẽ mà không có các biện pháp có hệ thống để giải quyết hàng núi rác thải sinh hoạt hàng ngày.
Sự phát triển ở Việt Nam có một sự khác biệt rõ ràng là Việt Nam nằm trong số 4 nước gây ô nhiễm đại dương tồi tệ nhất trên thế giới. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Thế giới, các mặt hàng nhựa chiếm 94% tổng lượng chất thải rắn được thu gom tại 38 khu vực bờ sông và ven biển trên khắp đất nước, phần lớn là nhựa sử dụng một lần. Tỷ lệ tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần từ năm 1990 đến năm 2019 – song song với sự mở rộng của nền kinh tế tiêu dùng.
Như Carolyn Turk, Giám đốc Văn phòng Ngân hàng Thế giới một số quốc gia Châu Phi (nguyên chuyên gia cao cấp về giảm nghèo tại Việt Nam), đã chỉ ra trong một bài luận thuyết phục, chân thành và đầy thực tế, “Một tương lai không ô nhiễm nhựa đòi hỏi sự chuyển đổi từ mô hình ‘sản xuất – sử dụng – vứt bỏ’ hiện tại, tuyến tính sang nền kinh tế khép kín ‘giảm sản xuất – tái sử dụng – tái chế’. Trong một nền kinh tế vòng tròn khép kín, rất ít nhựa sẽ trở thành chất thải hoặc ô nhiễm”.
NHỮNG THÁCH THỨC CHÍNH KHÁC
Thật xác đáng khi cho rằng mọi nguồn nước ở Việt Nam đều bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Phân tích các mẫu trầm tích bề mặt thu thập từ dòng sông Hồng huyền thoại cho thấy ô nhiễm kim loại nặng với nồng độ từ mức ô nhiễm trung bình đến nghiêm trọng. Kim loại nặng có thể gây hại cho não, thận, phổi, gan và máu. Tiếp xúc lâu dài với một số kim loại nặng có thể dẫn đến ung thư.
Theo báo cáo năm 2019 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, Việt Nam mới chỉ xử lý được 13% lượng nước thải đô thị. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ cần 8,3 tỷ USD để cung cấp dịch vụ thoát nước cho người dân thành thị vào năm 2025.
Chỉ 60% hộ gia đình ở Việt Nam có thể sử dụng hệ thống nước công cộng. Nước ngầm được lấy chủ yếu từ các giếng khoan hình ống có nồng độ cao các chất ô nhiễm như amoni (NH4 +), asen (As), sắt (Fe) và mangan (Mn).
Mọi người thường xuyên đốt rác, một trong nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí bao gồm khí thải từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy và xe tải, khói thải từ các nhà máy và cơ sở sản xuất điện than, và bụi từ các công trường xây dựng.
Theo WHO, không khí ô nhiễm khiến chúng ta tiếp xúc với các hạt bụi mịn xâm nhập sâu vào phổi và hệ tim mạch, gây ra các bệnh lý như đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiễm trùng đường hô hấp.
Cuối cùng, các bãi chôn lấp rác thải không thể được coi là một giải pháp lâu dài để thực hiện xử lý rác. Trong một bài thuyết trình về việc loại bỏ chúng dành cho nhiều người theo dõi tại Việt Nam, Tiến sĩ Paul Olivier, một nhà môi trường người Mỹ sống tại Đà Lạt, khẳng định rằng những gì thường được coi là một vấn đề thực chất lại là một giải pháp: rác thải là của chúng ta, là một nguồn tài nguyên lớn nhất. Đây là lời khuyên nên được lưu tâm càng sớm càng tốt.
Tin tốt là sức khỏe đã trở thành mối quan tâm lớn của nhiều người. Điều này liên quan đến thức ăn họ ăn, không khí họ thở và nước họ uống. Tuy nhiên, ý thức này mới được phát triển gần đây này vẫn không sửa đổi được hành vi của hầu hết mọi người. Xanh – sạch – đẹp vẫn chỉ là một khẩu hiệu trống rỗng, cũng như việc sử dụng khái niệm “sinh thái” chỉ là để bán được nhiều sản phẩm và dịch vụ, trong khi thực tế các sản phẩm và dịch vụ đó lại không hề là sinh thái.
THỜI GIAN ĐỂ HÀNH ĐỘNG
Ở cấp độ vĩ mô, có nhiều bước mà chúng ta với tư cách cá nhân và quốc gia nói chung có thể thực hiện để giải quyết các vấn đề nhức nhối về ô nhiễm môi trường. Danh sách các bước đề xuất này không có nghĩa là đã đầy đủ và có thể sẽ sớm trở thành hiện thực. Việc sử dụng công nghệ là chìa khóa.
Từ quan điểm bảo tồn, những việc có thể làm bao gồm: thu hoạch nước mưa; sử dụng cảm biến hồng ngoại hoặc siêu âm để tự động bật tắt đèn; sử dụng các chất hữu cơ thay vì hóa chất để kiểm soát côn trùng; biến các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ thành thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, chất đốt và than sinh học; và tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Về phần mình, chính phủ có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn bằng cách: ngay lập tức cấm đồ nhựa sử dụng một lần (nhựa phải mất từ 20-500 năm để phân hủy); tạo ra một ứng dụng mà mọi người có thể sử dụng để báo cáo các hành vi vi phạm luật môi trường; tạo thêm động lực cho các doanh nhân thành lập các doanh nghiệp xã hội để giải quyết các vấn đề nan giải về môi trường; tặng thưởng tài chính cho người tố cáo vi phạm; và thực hiện chương trình giáo dục môi trường bắt đầu từ đầu cấp tiểu học.
Chính phủ cũng nên thực hiện một chương trình tái chế quốc gia bắt buộc nhằm khai thác thế mạnh của mạng lưới phi chính thức hiện có, đồng thời phạt nặng các cá nhân và công ty gây ô nhiễm để ngăn chặn các vi phạm tiếp theo.
Có một số cách mà công nghệ có thể được áp dụng để bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm không khí và nước ở Việt Nam. Chúng bao gồm: tạo một ứng dụng mà mọi người đều có thể sử dụng để báo cáo các hành vi vi phạm luật môi trường; tạo ra một trang web để ghi lại các vấn đề và số liệu về ô nhiễm không khí và nước trên khắp Việt Nam và như một kho lưu trữ các đề xuất và ý tưởng; sử dụng kết hợp nhiệt và khí hóa than sinh học để thay thế đốt củi, than, than củi, và thậm chí cả khí đóng bình (hơn một nửa số hộ gia đình Việt Nam hiện vẫn đốt trực tiếp nhiên liệu rắn; ở các vùng nông thôn, con số này tăng lên 72%); và sử dụng các tấm pin mặt trời cho nhu cầu nước nóng và các nhu cầu điện cơ bản.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải trọng điểm, chúng ta có thể: sử dụng ô tô hybrid, loại xe lý tưởng cho đặc trưng giao thông “dừng và đi” ở đô thị Việt Nam; thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi động cơ điện cho xe đạp, xe máy, ô tô và xe buýt (động cơ chạy bằng khí đốt là nguồn chính gây ra khí thải carbon từ xe cộ).
Luật pháp là vô nghĩa trừ khi chúng được thực thi nghiêm túc. Hãy nhìn lại những gì đã xảy ra vào năm 2007 sau khi việc đội mũ bảo hiểm trở thành quy định bắt buộc đối với tất cả người điều khiển xe máy và hành khách trên mọi nẻo đường. Ngày đầu không mấy ai đội mũ bảo hiểm theo quy định, sáng hôm sau hầu như tất cả mọi người đều như vậy. Vì vậy, luật pháp cần phải thực sự trở thành công cụ trấn áp những tội ác chống lại thiên nhiên.
LÒNG YÊU NƯỚC VỚI VẤN ĐỀ Ô NHIỄM
Tôi rất xúc động bởi hầu hết người Việt Nam đều yêu nước, nghĩa là họ yêu và hết lòng vì đất nước, tự hào về những thành tựu của đất nước hiện nay và trong suốt lịch sử. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người gây ô nhiễm môi trường dù là cá nhân hay lãnh đạo công ty lại coi mình là những người yêu nước?
Trên thực tế, nhiều người là những người yêu nước giả tạo chỉ để thể hiện tình yêu đất nước trong khi họ tấn công nó bằng rác và chất độc. Việc nói rằng bạn yêu ngôi nhà của mình và sau đó lại làm bẩn nó là đỉnh cao của sự đạo đức giả.
Nếu họ thực sự yêu Việt Nam, họ sẽ có thái độ thân thiện với môi trường và có hành động phù hợp. Những người yêu nước chân chính phải trở thành một phần của giải pháp, chứ không phải người làm trầm trọng hóa vấn đề. Tất cả chúng ta phải làm điều đó theo khả năng của cá nhân và tập thể – bạn, tôi và chính phủ.
Việt Nam nổi lên như một hình mẫu quốc tế được giới truyền thông toàn cầu ca ngợi hết lời vì thành công trong việc phòng chống Covid-19. Thành tựu đặc biệt này là kết quả của hành động nhanh chóng của chính phủ, sự làm việc chăm chỉ và sự hợp tác của hầu hết mọi người.
Tại sao cách tiếp cận theo chủ nghĩa tập thể này lại không thể áp dụng cho các vấn đề cấp bách và thậm chí tồn tại nhức nhối khác như ô nhiễm môi trường?
Trong hơn nửa năm qua, người ta đã nhắc đến coronavirus như một cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình. Ô nhiễm môi trường vừa vô hình vừa có thể nhìn thấy, là kẻ thù truyền kiếp tàn nhẫn và nguy hiểm đang tiến hành cuộc chiến chống lại mọi sinh vật và mọi vật trên đất nước Việt Nam.
Đất nước và người dân phải hành động ngay trước khi quá muộn. Đồng hồ đang tích tắc. Không hành động sẽ gây ra thảm họa không chỉ đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn là chất lượng cuộc sống của tất cả chúng ta. Không có cơ hội thứ hai. Không còn lựa chọn nào khác. Ô nhiễm phải được đánh bại.
Việt Nam và dân tộc Việt Nam đã từng vượt qua những thử thách to lớn trong suốt lịch sử hàng thiên niên kỷ của mình.
Bây giờ, họ phải đối mặt với một cuộc chiến mà họ không thể để thua!
Người dịch: Ngô Mạnh Hùng – Vietnam needs to get wise about being healthy and wealthy (28.7.21)